Áo dài từ lâu đã là trang phục truyền thống và là nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam. Trải qua nhiều thời kỳ phát triển, áo dài luôn không ngừng biến đổi nhưng vẫn mang nét đẹp truyền thống, góp phần tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam. Gắn liền với sự phát triển của đời sống xã hội, áo dài còn là “sứ giả” trong việc quảng bá du lịch. Khách du lịch khi đến Việt Nam, nhất là các nữ du khách thường chọn áo dài như món quà lưu niệm độc đáo, đặc sắc.
Hình ảnh các cô giáo thướt tha trong tà áo dài
Vào mỗi dịp tháng 3 hàng năm, “Tuần lễ áo dài” đã được hội viên, phụ nữ cả nước hưởng ứng tích cực, tạo không khí vui tươi, phấn khởi; đồng thời góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người, đặc biệt là cán bộ, hội viên, phụ nữ trong gìn giữ, phát huy sản phẩm văn hóa Việt Nam.
Sau khi Công đoàn Sở phát động hưởng ứng Tuần lễ Áo dài, các chị em trong cơ quan đều rất phấn khởi, đây là dịp để tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, chị em cảm thấy mình được nâng niu, quan tâm. Mặc trên người tà áo dài truyền thống của dân tộc dường như chị em cảm thấy mình duyên dáng hơn, dịu dàng hơn; chị em thêm yêu thương và trân trọng bản thân mình, từ đó lan tỏa hạnh phúc đến nửa thế giới còn lại.
Hình ảnh tà áo dài truyền thống tại Hồng Bàng
“Tuần lễ áo dài” là hoạt động có ý nghĩa và làm cho phong trào của chị em phụ nữ thêm phong phú; tôn vinh nét đẹp, giá trị của áo dài trong đời sống xã hội, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam trong mỗi cán bộ, công chức, viên chức, phụ nữ và người dân, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của trang phục dân tộc Việt Nam mà trong những năm qua các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cấp, các ngành hưởng ứng tích cực. Đây là cơ hội để khẳng định chủ quyền áo dài Việt Nam là một phần không thể thiếu của Di sản văn hóa của áo dài, vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong trang phục áo dài.